Trung
Quốc - Phải chăng chỉ khủng hoảng về kinh tế?
Ông Nguyễn Gia Kiểng trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần
Quang Thành
"Cho đến ngày hôm nay tất cả cấp lãnh đạo đảng cộng
sản, dù là Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng
hay bất cứ ai, có thể có quan điểm khác nhau trên nhiều vấn đề nhưng họ đều
đồng ý phải dựa Trung Quốc để giữ nguyên chế độ. Điều họ cần nhận định ra trước
khi quá trễ là Trung Quốc không còn là chỗ dựa nữa. Trên thực tế họ đang dựa
lưng vào môt bức tường bằng giấy..." - Nguyễn Gia Kiểng.
*
Lời giới thiệu: Trung
Quốc nuôi mộng vượt qua mặt Hoa Kỳ để thành cường quốc số 1 của thế giới. Mục
tiêu đó chưa đạt được nhưng một tiêu khác đạt được: Trung Quốc đã là nước lôi
kéo nhiều chú ý nhất trong tuần lễ đầu tiên của năm 2016.
Ngày 04-01-2016, ngày
đầu tiên trong năm 2016 của các thị trường chứng khoán, thị trường chứng khoán
của Trung Quốc đã phải đóng cửa sau nửa ngày hoạt động vì sụt giá hơn 7%.
Ngày thứ năm 07-01 lại
phải đóng chỉ sau 15 phút niêm yết vì cũng bị sụt giá hơn 7%.
Trung Quốc còn được
đặc biệt chú ý sau khi chế độ cộng sản Triều Tiên, tức Bắc Hàn, cho nổ trái bom
Hydro đầu tiên ngày 06/01. Mọi con mắt của thế giới đổ về Trung Quốc bởi vì
Trung Quốc được coi là quan thày cấp dưỡng của chế độ quái dị này. Chưa hết,
cùng với năm 2016 những máy bay đầu tiên của Trung Quốc đáp xuống đảo đá Chữ
Thập trong quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã đánh chiếm của Việt Nam từ năm
1988.
Trong suốt năm qua Trung Quốc đã thực hiện những công trình xây dựng rất
lớn trên các đá đã chiếm của Việt Nam, biến các đá nhỏ này thành những đảo nhân
tạo lớn với dụng ý lộ liễu là tăng cường sự hiện diện tại quần đảo này và giành
thế áp đảo trên Biển Đông. Đặc biệt trên đá Chữ Thập Trung Quốc đã xây một phi
trường với bãi đáp dài 3.000m.
Từ Paris, ông Nguyễn
Gia Kiểng, thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, đã trả lời một
cuộc phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành về những biến động do Trung Quốc
gây ra.
Sau đây là tóm lược
những phát biểu chính.
Trần Quang Thành (TQT): Xin chào ông Nguyễn Gia Kiểng.
Nguyễn Gia Kiểng (NGK): Xin chào
ông Trần Quang Thành.
TQT: Thưa ông Nguyễn Gia
Kiểng,
Vào nửa đầu tháng Giêng năm 2016 này tình hình ở Trung
Quốc và 2 nước lân bang của Trung Quốc có nhiều vấn đề khiến thế giới quan tâm.
Tại Trung Quốc, thị trường chứng khoán Thượng Hải, Thẩm
Quyến đang sụt giảm nghiêm trọng và có ngày phải đóng cửa. Ô nhiễm môi trường
đến mức nghiêm trọng đang dẫn đến hàng nghìn xí nghiệp có nguy cơ phải phá sản.
Trung Quốc cải tổ quân sự. Còn ở hai nước lân bang thì phía Đông Bắc Á Bắc Hàn
thử thành công bom khinh khí, còn nước 4 tốt của Trung Quốc là Việt Nam ở Đông
Nam Á sau một năm đấu đá nhau kịch liệt đang chuẩn bị bước vào đại hội Đảng lần
thứ 12.
Ông Nguyễn Gia Kiểng có bình luận gì về Trung Quốc và hai
nước lân bang này ạ?
NGK: Trước hết tôi xin có một nhận
xét về sự khác biệt giữa Việt Nam và Triều Tiên. Mặc dầu hai nước lệ thuộc
Trung Quốc rất nặng nề, nhưng mức độ nặng nề đó khác nhau. Việt Nam thì ban
lãnh đạo muốn lệ thuộc Trung Quốc để tồn tại nhưng một phần quan trọng trong
đảng cầm quyền - đảng cộng sản - và gần như toàn bộ nhân dân Việt Nam không
muốn tình trạng đó. Cho nên mức độ lệ thuộc Trung Quốc khác nhau. Tôi nghĩ là
trong một tương lai không xa Việt Nam sẽ không còn lệ thuộc Trung Quốc nữa. Mức
độ lệ thuộc Trung Quốc sẽ một ngày một giảm đi. Không giống như chế độ ở Triều
Tiên, một chế độ vô lý ở mức mà người ta không thể nghĩ là nó có thực. Vậy thì
phải xét bản chất của nó. Chúng ta nên nhớ lại thời chiến tranh Triều Tiên. Vào
mùa hè 1950, chế độ Bắc Triều Tiên mở cuộc tổng tiến công hòng thôn tính quốc
gia Nam Cao Ly, bây giờ gọi là Hàn Quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn họ đã đẩy
lùi được quân đội Hàn Quốc xuống tận cùng phía Nam. Nhưng sau đó gặp sự phản
công rất mạnh của quân đội Liên Hợp Quốc, chủ yếu là Hoa Kỳ.
Trong một thời
gian rất ngắn quân đội Bắc Triều Tiên hầu như đã bị tiêu diệt và khi bị dồn tới
tận sông Áp Lục thì chỉ còn khoảng 10 ngàn người mà thôi. Lúc đó Trung Quốc đã
quyết định nhảy vào cứu vãn chế độ Triều Tiên. Họ đã gửi gần 2 triệu quân. Phải
nói là quân đội Triều Tiên từ đó thuần túy là quân đội Trung Quốc. Và sau đó họ
đỡ đầu chế độ Triều Tiên, sử dụng Triều Tiên như một căn cứ quân sự, một phần
của họ, để làm những điều họ không muốn thế giới buộc tội họ vì đã làm. Nhưng
dần dần thế giới cũng đã nhìn ra.
Càng ngày càng có nhiều quan sát viên, nhiều
chính phủ nhận định những việc chế độ Triều Tiên làm thực ra là làm theo chỉ
thị ngầm của Trung Quốc. Cho nên khi chế độ Triều Tiên thử bom khinh khí - bom
hydrogen - người ta nhìn vấn đề như là chính Trung Quốc thử trái bom đó, mượn
tay bắc Triều Tiên để làm áp lực với thế giới. Càng ngày càng có những lập luận
buộc tội Trung Quốc. Cho nên tôi nghĩ trong tương lai tình thế có lẽ sẽ khó
khăn hơn cho Trung Quốc vì họ không còn giấu giếm và đánh lừa được dư luận thế
giới nữa.
Bây giờ trở lại vấn đề
thị trường chứng khoán của Trung Quốc. Quả nhiên nó rất trầm trong. Hai tuần lễ
đầu năm nay thị trường chứng khoán Thượng Hải đã giảm hơn 15%. Riêng tại Thẩm
Quyến là trung tâm công nghiệp của Trung Quốc thị trường chứng khoán giảm 24%.
Từ đó chúng ta có thể
rút ra một vài kết luận:
- Một là kinh tế Trung
Quốc suy sụp một cách không thể đảo ngược được. Đây không phải là lần đầu tiên.
Trong sáu tháng qua thế giới đã sống trong sự hồi hộp của sự xuống giá của thị
trường chứng khoán Trung Quốc ở Thẩm Quyến cũng như ở Thượng Hải.
- Kết luận thứ hai nó
cũng có phần quan trọng của nó là nền công nghiệp Trung Quốc sụp đổ; đó là vì
nhiều xí nghiệp công nghiệp Trung Quốc chủ yếu được niêm yết giá tại thị trường
Thẩm Quyến mà thị trường Thẩm Quyến trong 2 tuần sút giảm 24%. Như vậy là sự
sụt giảm quan trọng. Nền kinh tế Trung Quốc cho đến ngày hôm nay có thể tóm tắt
một câu là họ dựa trên sản xuất và nhân công rẻ, thực tế là họ xuất khẩu sự
nghèo khổ mà chính đảng cộng sản đã là nguyên nhân. Nhưng chính sách đó ngày
hôm nay đã thất bại.
Người ta đã nói nhiều
tới sự suy sụp của Trung Quốc, vào giờ này tôi nghĩ không còn ai ngờ vực rằng
sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc không thể đảo ngược được nữa.
Nói về trường hợp Việt
Nam tôi cũng xin nói thêm về tình trạng rất mới nhân sự kiện Trung Quốc gửi các
chuyến bay đến quần đảo Trường Sa. Trên 50 chuyến bay của họ đã đáp lên đảo Chữ
Thập, một đảo đá họ đã chiếm được của Việt Nam và biến thành một phi trường
lớn. Sự kiện này rất nghiêm trọng. Chúng ta đã để cho họ xây căn cứ ở đó thì
tất nhiên có ngày máy bay của họ sẽ đáp xuống. Trong tương lai nó có thể là một
căn cứ về hàng hải, nhưng cũng có thể nó là một căn cứ quân sự. Nó sẽ làm thay
đổi hẳn những dữ kiện về địa lý chính trị trong vùng. Nó đe dọa một cách nghiêm
trọng hải phận của Việt Nam cũng như không phận của Việt Nam.
Một lần nữa chúng ta
cần nhắc lại trước năm 1988 Trung Quốc không có hiện diện tại Trường Sa. Trung
Quốc chỉ có mặt ở Trường Sa sau khi đã đánh chiếm sáu đảo của Việt Nam. Tôi đã
có bài phân tích và nhiều người đã phân tích là cuộc đánh chiếm sáu đảo đá của
Việt Nam tại Trường Sa thực ra nó là một sự dàn cảnh của ban lãnh đạo lúc đó do
bộ ba Nguyễn Văn Linh - Lê Đức Anh - Đỗ Mười, nhưng chủ yếu là Nguyễn Văn Linh
và Lê Đức Anh. Họ đã chủ trương dâng một phần quần đào Trường Sa cho Trung Quốc
để đổi lấy ơn huệ được lệ thuộc Trung Quốc. Chúng ta đừng quên là quân đội
Trung Quốc chỉ đánh chiếm chính thức những đảo này vào cuối tháng 3 đầu tháng 4
năm 1988.
Nhưng họ đã đem hải quân đến đó từ tháng Giêng mà Việt Nam không hề
có một phản ứng nào hết, và sau khi họ tấn công đánh chiếm sáu hòn đảo tàn sát
74 chiến sĩ hải quân của Việt Nam thì chính quyền Việt Nam chỉ ra một cái thông
cáo phản đối chiếu lệ rất ngắn ngủi và sau đó một hai tháng bộ chính trị họp
tuyên bố từ này Trung Quốc là bạn. Hiến pháp Việt Nam được sửa đổi để bỏ lời
nói đầu coi Trung Quốc là thù địch. Như vậy chúng ta thấy có một sự kiện rất
nghịch lý là Trung Quốc trở thành bạn của Việt Nam sau khi xâm phạm lãnh thổ
của Việt Nam, đánh chiếm sáu hòn đảo của Việt Nam, tàn sát hải quân của Việt
Nam.
Cũng đừng quên là
trong khi Trung Quốc đánh chiếm có một sự kiện quân sự rất đáng chú ý là Lê Đức
Anh đã ra lệnh cho không quân không được can thiệp. Sự thật lúc đó nếu không
quân Việt Nam can thiệp thì có thể tiêu diệt được lực lượng hải quân rất sơ sài
của Trung Quốc trong nháy mắt. Sở dĩ Trung Quốc đã chiếm được là vì chính quyền
cộng sản Việt Nam, những người cầm đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam đã âm mưu để cho
Trung Quốc chiếm. Cho nên ngày hôm nay chúng ta thấy tình trạng trong tương lai
rất phức tạp thì húng ta phải nhắc tới trách nhiệm rất nặng nề của Nguyễn Văn
Linh và Lê Đức Anh. Có lẽ theo tôi, trong thế kỷ 20 này đó là hai người có tội
nặng nhất đối với đất nước Việt Nam.
TQT: Người ta chứng kiến sự
phát triển kinh tế của Trung Quốc. Họ có ba thập niên liên tục tăng trưởng tới
10%. Rồi 5 năm gần đây tuy mức tăng trưởng nó có khựng lại nhưng vẫn là mức 7%.
Mức này phải nói rằng nhiều nước mơ mà không được. Phải chăng những con số
Trung Quốc đưa ra là ảo. Thực trạng kinh tế Trung Quốc hiện nay là thế nào thưa
ông?
NGK: Trước hết chúng ta đừng nên
quên Trung Quốc vẫn là một chế độ cộng sản và đặc tính của mọi chế độ cộng sản
là họ bưng bít sự thật. Họ đưa ra những con số dối trá. Nhiều khi dối trá một
cách lộ liễu.
Thí dụ năm 2014, ngoại
thương của Trung Quốc, xuất nhập khẩu của Trung Quốc, đã giảm 11% trong khi con
số tăng trưởng của Trung Quốc vẫn là 7,5%. Đối với một người có một chút lý
luận câu hỏi đặt ra là làm thế nào một nền kinh tế chủ yếu đặt nền tảng trên
xuất khẩu lại có thể đạt tỷ lệ tăng trưởng 7,5% trong khi mức xuất nhập khẩu
giảm 11%? Không thể có. Thực trạng này nó khiêu khích lô-gich nhiều quá, cho
nên có một công ty tư vấn về tài chính tại Anh là công ty Lombard Street đã
dùng những con số của chính Trung Quốc để tính lại một cách đúng đắn và thấy tỷ
lệ tăng trưởng của Trung Quốc chỉ là 1,7% thôi. Nhưng ngay cả con số 1,7% này
cũng không thể tin được vì khi xuất khẩu đã giảm sút nặng nề đến như vậy thì
tăng trưởng kinh tế làm gì có, kinh tế phải suy thoái thôi. Những con số của
Trung Quốc không đáng tin chút nào.
Đầu tháng 4/2014 tôi
có viết bài "Khi thiên triều sụp đổ và lịch sử sang
trang" tôi đã phân tích rằng tình
hình kinh tế Trung Quốc không có thuốc chữa. Nhận xét của tôi có lẽ nó không
nghiêm khắc bằng nhận xét của ông Lý Khắc Cường, thủ tướng Trung Quốc. Cũng vào
giai đoạn đó ông Lý Khắc Cường nói rằng: "Từ nay chúng ta phải tuyên chiến
với mô hình kinh tế và nếp sống của chúng ta", một lời tuyên bố rất nặng
nề. Khi nói tuyên chiến với một cái gì đó người ta phải coi nó là thù địch. Ông
Lý Khắc Cường tuyên bố mô hình kinh tế của Trung Quốc sai hoàn toàn. Nói chung
từ trước đến giờ nó đặt trên nền tảng sản xuất tối đa với giá thật rẻ để xuất
khẩu được nhiều. Nói cách khác họ xuất khẩu sự nghèo khổ mà chính họ là nguyên
nhân.
Thế nhưng mà làm như thế cũng không được về mặt kỹ thuật và kinh tế thuần
túy; ngay cả nếu chúng ta bỏ qua khía cạnh chính trị và nhân đạo mô hình đó vẫn
là sai. Lý do là vì từ trước đến nay một nền kinh tế lành mạnh luôn luôn phải
đặt nền tảng trên một thị trường nội địa lành mạnh. Đó là điều anh em chúng tôi
trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhận định. Vào năm 2001, khi mô hình Trung
Quốc được cả thế giới ca tụng, anh em chúng tôi có đưa một dự án chính trị
Thành Công Thế Kỷ 21 trong đó chúng tôi đã nhận định mô hình Trung Quốc là rất
sai.
Đó là mô hình bất chấp con người, bất chấp môi trường và bất chấp cả các
qui luật kinh tế. Trong thảo luận anh em chúng tôi còn nói nếu mô hình tăng
trưởng của Trung Quốc mà đúng thì phải dẹp hết các trường đại học về kinh tế và
hủy bỏ hết các cuốn sách kinh tế. Ngày hôm nay rõ ràng mô hình dựa trên xuất
khẩu không thể tiếp tục được. Sau cuộc khủng hoảng năm 2008 Trung Quốc đã cố
gắng phát triển thị trường mội địa. Đây là một cố gắng theo chiều hướng đúng
nhưng rất khó khăn. Đặc tính của thị trường nội địa là mình không thể phát
triển nó một cách đột ngột như phát triển xuất khẩu được mà phải phát triển nó
một cách đều đặn, tuần tự và với nhiều cố gắng kiên nhẫn và liên tục. Nhưng
điều đó Trung Quốc không làm. Trung Quốc cho rằng muốn tăng cường thị trường
nội địa phải tăng lương cho công nhân để công nhân có tiền mua sắm. Nhưng người
công nhân Trung Quốc không được bảo đảm về sức khỏe cho nên khi có được một
phần gia tăng về lương bổng thì họ dùng số tiền mới có thêm được để dành, phòng
mỗi khi yếu bệnh. Cho nên chính sách phát triển thị trường nội địa một cách
nhanh chóng của Trung Quốc đã thất bại. Nó chỉ đưa đến kết quả ngược lại là làm
giá cả các hàng hóa của Trung Quốc trở thành đắt đỏ và khối lượng hàng hóa xuất
khẩu của Trung Quốc đã giảm lại càng giảm đi nhanh hơn. Chính sách phát triển
thị trường nội địa tuy vẫn phải tiếp tục nhưng không thể thực hiện dễ dàng như
họ nghĩ. Từ đầu mùa hè năm 2014 họ đưa ra một chiến dịch mới để thay thế cho
một chiến dịch họ vẫn làm từ trước tức là dùng chi phí công cộng và dùng những
công trình xây dựng kết cấu hạ tầng, dùng các công trình xây dựng bất động sản.
Trong một thời gian họ đã giấu được sự suy thoái nhưng cuối cùng họ đã tạo ra
những thành phố ma, những chung cư không có người ở, những đường cao tốc không
có xe chạy; cuối cùng khiến số nợ công của Trung Quốc gia tăng lên một cách đáng
sợ.
Từ mùa Hè năm 2014 họ
có một tham vọng mới, đó là biến Thượng Hải và Thẩm Quyến thành những trung tâm
tài chính quốc tế tương đương với New York và London. Kết quả là một năm sau,
năm 2015, chúng ta chứng kiến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Thượng Hải.
Và đầu năm nay sau khi Trung Quốc đã bỏ ra hàng trăm tỷ đô la để cứu vãn thì
chúng ta thấy thị trường Trung Quốc nó đi vào một giai đoạn suy thoái mới. Lần
này Trung Quốc tuyên bố bỏ cơ chế đóng cửa ở thị trường chứng khoán tự động,
nghĩa là cứ để cho thị trường chứng khoán từ từ mà sụt xuống, còn nếu muốn cố
gắng cứu vãn thì bơm thêm tiền vào mua những cố phiếu bị đe dọa cứu được phần
nào hay phần đó. Nhưng tôi thấy đây chỉ là một sự đầu hàng. Cái gì vừa xảy ra
đúng là chứng tỏ thị trường chứng khoán Trung Quốc không cứu vãn nổi và nền
kinh tế Trung Quốc nói chung không có lối thoát.
TQT: Cũng trong bài "Khi Thiên triều sụp đổ, và lịch sử sang
trang" ông
có nói là vấn đề kinh tế không phải là nghiêm trọng lắm đối với Trung Quốc mà
vấn đề nghiêm trọng, cực kỳ nghiêm trọng, đối với Trung Quốc là vấn đề môi
trường và chính trị. Tại sao lại như vậy và những nhận định ấy bây giờ còn đúng
không thưa ông?
NGK: Bây giờ còn đúng hơn trước,
thưa ông Trần Quang Thành. Chúng ta không nên quên là trong tháng 12, tháng
cuối cùng của năm 2015, Bắc Kinh đã phải đóng cửa các nhà máy, đóng cửa các
trường học, các công sở trong vòng một tuần lễ. Các hoạt động ở Bắc Kinh ngừng
trệ trong vòng một tuần lễ là vì ô nhiễm của không khí đã đạt đến mức độ không
thể chịu đựng được nữa. Muốn hiểu rõ hơn tình hình bi đát của môi trường Trung
Quốc chúng ta hãy tham khảo một vài con số do Tổ Chức Y Tế Thế Giới đưa ra. Mức
độ không khí bình thường là từ 10 đến 12 microgram/m3 hạt mịn. Hạt mịn là những
hạt cực nhỏ có thể chui vào vào phổi vì đường kính dưới 2,5 micron.
Nó chui vào
trong phổi làm cho phổi cứng người ta không thở được nữa và nó có thể làm người
ta chết vì ung thư hoặc chết vì không thở được nữa. Theo tổ chức Y Tế Thế Giới
mức độ không khí bình thường là từ 10 đến12 microgram hạt mịn trong một mét
khối. Mức độ được cho là nguy ngập đến tính mạng là 25 microgram/m3. Nhưng ở
Trung Quốc những ngày nào tốt là 80 microgram/m3.
Có ngày nó lên tới 200
microgram/m3. Ở tỉnh Hà Bắc có ngày lên tới 1.400 microgram/m3, tức là gần 60
lần mức độ nguy hiểm chết người. Phải nói là tình hình ô nhiễm không khí ở
Trung Quốc ghê gớm lắm. Nhưng đó không phải là tất cả. Trung Quốc cũng là một
nước rất thiếu nước. Hiện nay quá nửa các dòng sông ở Trung Quốc không có nước
nữa. 400 thành phố hoàn toàn không có nước trên bề mặt phải hút nước từ lòng
đất lên để dùng. Chiều sâu để hút được nước ngày càng xuống. Ở các tỉnh như
vùng Tân Cương, Sơn Tây phải đào sâu xuống gần 100 mét mới hút được nước lên.
Tình trạng nước ở Trung Quốc rất nguy ngập. Đất nước Trung Quốc đang bị phá
hủy. Đây là hậu quả chính sách của Trung Quốc trong hơn 30 năm qua trong đó
Trung Quốc đã kỹ nghệ hóa tối đa bất chấp môi trường, bất chấp cả con người.
Cho nên ngày nay các chuyên gia trên thế giới không nhìn thấy giải đáp.
Năm 2000 Trung Quốc đã
bỏ ra hơn 5 tỉ đô-la để nghiên cứu làm sao cứu được sông Dương Tử. Sau khi sài
hết 5 tỉ đô-la đó các chuyên gia kết luận là không tài nào cứu được sông Dương
Tử cả và mọi sự sống sẽ biến mất. Ngày nay nạn thiếu nước ở Trung Quốc có thể
đưa đến nội chiến. Đã có trường hợp có những tỉnh hoặc những huyện trong một
tỉnh giao chiến với nhau để giành một con sông. Có thể nói vấn đề môi trường
của Trung Quốc cũng không có giải đáp.
Kể từ ngày Tập Cận
Bình lên cầm quyền lại có một vấn đề nữa là cuộc khủng hoảng chính trị. Nhìn từ
bên ngoài vào, có lẽ vì người Việt Nam chúng ta có quá nhiều vấn đề cho nên
chúng ta không quan tấm lắm đến những vấn đề xảy ra ở Trung Quốc. Thực ra chiến
dịch chống tham nhũng mà người Trung Quốc đặt một cái tên rất ngộ nghĩnh là «
Đả hổ, diệt ruồi » đã gặp phải một trở ngại không thể tưởng tượng được. Nhóm
thân cận của Tập Cận Bình đã không lường trước được mức độ dữ dội của nó. Lúc
này Trung Quốc đang sống trong sự nghi vấn rất lớn là chế độ có thể tồn tại như
thế này được hay không? Ông Tập Cận Bình nhân danh chống tham nhũng để phục hồi
kinh tế nhưng trên thực tế đời sống nhân dân Trung Quốc đã sút giảm. Ông Tập
Cận Bình có thể bị sụp đổ không phải vì ông đã làm gì sai mà vì ông thừa hưởng
một di sản mà ông không thể nào cứu chữa được nữa.
Cho đến ngày hôm nay
chế độ cộng sản Trung Quốc đã tồn tại dựa trên hai thỏa hiệp bất thành văn:
- Thỏa hiệp thứ nhất
là nhân dân Trung Quốc chấp nhận để Đảng Cộng sản tiếp tục chế độ toàn trị và
khước từ những tự do căn bản của họ, nhưng với điều kiện là chế độ này vẫn tạo
ra được một sự tăng trưởng đều đặn ở mức độ rất cao. Như ông Ôn Gia Bảo thời
trước đã nói nếu Trung Quốc không có tăng trưởng trên 8% thì sẽ có bạo loạn.
Bây giờ thì không những không có tăng trưởng 8% mà kinh tế vẫn tiếp tục sa sút.
- Nguy cơ thứ hai về
chính trị của Trung Quốc, do kinh tế mà đến, là sự ổn vững của Trung Quốc cũng
dựa trên một thỏa hiệp bất thành văn thứ hai là người dân Trung Quốc chấp nhận
để bị bóc lột, làm nhiều với lương rẻ để tích lũy tư bản cho các công ty có lời
nhiều và dùng lợi nhuận đó tiếp tục đầu tư vào kinh tế. Nhưng bây giờ 2/3 những
người giàu có của Trung Quốc có ý đồ rời bỏ Trung Quốc hoặc đã rời bỏ Trung
Quốc. Nói một cách khác tư bản mà họ đã đổ mồ hôi nước mắt ra để tích lũy được
cho các công ty ngày hôm nay đang đào thoát ra nước ngoài. Cho nên có một sự
phản bội, phản bội về mô hình kinh tế, phản bội cả về đạo đức chính trị và về
lòng yêu nước.
Cho nên Tập Cận Bình
đang sống những ngày khó khăn. Tôi nghĩ hiện nay kinh tế tuy khó khăn nhưng nó
không bằng hai vấn đề khác: Vấn đề trầm trọng nhất vẫn là môi trường và vấn đề
trầm trọng thứ hai là đề khủng hoảng chính trị.
TQT: Ông có nói vấn đề thứ
hai là trầm trọng khủng hoảng chính trị. Nhưng tôi thấy dường như Tập Cận Bình
đang làm chủ trong vấn đề chính trị. Ông ấy mở chiến dịch chống tham nhũng tràn
khắp cả nước. Người bị đụng chạm đến không phải là những quan chức bình thường
mà là giới chức cao nhất Trung Quốc kể cả ông Giang Trạch Dân cũng đang có nguy
cơ. Ông đang củng cố lại quân đội theo hệ thống quản lý của Quân ủy trung ương.
Ông ấy tràn ra Biển Đông chiếm các hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam để làm
sân bay. Máy bay hạ cánh xuống bất chấp sự phản đối. Vậy phải chăng ông ấy đang
làm chủ được về chính trị?
NGK: Theo như tôi vừa nói vì chúng
ta có quá nhiều vấn đề nội bộ nên chúng ta không quan sát kỹ tình hình Trung
Quốc. Nhưng các chuyên gia theo dõi tinh hình Trung Quốc đều nhận định tình
hình Trung Quốc rất là căng thẳng. Cố gắng của ông Tập Cập Bình càng ngày càng
khó khăn.
Vấn đề là Tập Cận Bình
thừa hưởng một đất nước Trung Quốc cũng tan hoang, cũng bị phân hóa từ bên
trong như ông Gorbachev đã thừa hưởng ở Liên Xô năm 1985. Gorbachev đã cố gắng
để cải tổ toàn diện hệ thống của Liên Xô nhưng đã không cải tổ được. Ông ấy đã
thất bại, nhưng ít ra cũng đã giúp cho chế độ cộng sản Liên Xô được giải thể
trong hòa bình, giúp Liên Bang Xô Viết hạ cánh an toàn, tuy cũng mất đi một số
nước như Ukraine, Georgia, Khazakstan... Trái lại Tập Cận Binh từ chối những
cải tổ cần thiết và đang ngày càng tích lũy nhiều khó khăn.
Điều chúng ta đáng lo
ngại không phải là Trung Quốc khiêu khích trên Biển Đông hoặc khiêu khích với
Nhật Bản. Chúng ta thấy gần đây họ không dám khiêu khích Nhật Bản trên hòn đảo
Điếu Ngư nữa và họ cũng muốn hòa dịu với Hàn Quốc. Tại Biển Đông vì Việt Nam
gần như là một nước chư hầu của họ và chấp nhận tất cả những gì họ làm nên họ
còn lộng hành một tí. Nhưng tôi nghĩ tình trạng này cũng sẽ không kéo dài vì
chế độ Trung Quốc đang lung lay từ bên trong theo cái lô-gich bình thường của
một chế độ gần giống như một đế quốc, nghĩa là tập trung nhiều lực lượng, nhiều
khối không giống nhau, không có nguyện vông sống chung, không tương đồng về mặt
văn hóa, địa lý và kinh tế, sản xuất. Khi một đế quốc như vậy gặp khó khăn nó
thì co cụm lại chứ nó không khiêu khích với bên ngoài.
Trái với sự lo lắng
của nhiều người tôi nghĩ rằng chúng ta không phải lo sợ lắm về tình hình Biển
Đông. Trung Quốc sẽ không làm tới ở một mức độ dữ dội. Tôi phải nhắc lại là do
một sai lầm không thể tha thứ được của Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh họ đã có
mặt ở Trường Sa, họ đã xây các đảo nhân tạo trên Trường Sa, họ xây phi trường, họ
sẽ hiện diện ở đó. Sự hiện diện đó có thể mạnh trong lúc đầu, nhưng mà nó sẽ
không mạnh trong tương lai khi mà Trung Quốc yếu đi. Và nếu chúng ta là một
nước Việt Nam dân chủ, khai thác được đầy đủ những tài nguyên của chúng ta thì
chúng ta sẽ mạnh lên và sẽ buộc Trung Quốc phải có một thái độ biết điều hơn,
khiêm tốn hơn ở Biển Đông. Tôi nghĩ vấn đề Biển Đông mặc dầu là một xúc phạm
lớn đối với mọi người Việt Nam nhưng nếu chúng ta có được một chế độ dân chủ
lành mạnh thì những vấn đề ấy cũng không đến nỗi quá phức tạp.
TQT: Nói về vấn đề Trung Quốc
và Việt Nam. Tình hình Trung Quốc theo ông vấn đề mội trường là cực kỳ nguy
hiểm, kinh tế thì đang suy sụp, chính trị thì đang lủng củng từ vấn đề Nội
Mông, Tây Tạng rồi ra Biển Đông. Những vấn đề ấy có tác động gì đến vấn đề Việt
Nam hay không thưa ông?
NGK: Tôi nghĩ là chúng ta đang chờ
đợi một biến cố lớn trong chế độ Cộng sản - Đại hội XII một tuần nữa sẽ mở ra -
Vào giờ này chúng ta chưa chính thức biết được những gì họ đã quyết định với
nhau, chúng ta chỉ đoán thôi mà tính tôi không thích dự đoán khi mà mình không
nắm được những dữ kiện cơ bản. Tôi chỉ nắm được điều, đó tôi nghĩ rằng đã có
một sai lầm trong nhận định về thái độ của Trung Quốc đối với Việt Nam. Nhiều
người nghĩ rằng Trung Quốc bỏ rơi ông Nguyễn Tấn Dũng vì ông Nguyễn Tấn Dũng
chống Trung Quốc. Theo tôi lý do không phải như vậy. Trung Quốc không thể tìm
được đồng minh nào lý tưởng hơn ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Nguyễn Tấn Dũng trước
hết là truyền nhân của ông Lê Đức Anh, kiến trúc sư của chính sách lệ thuộc
Trung Quốc. Thứ hai là ông Nguyễn Tấn Dũng trong mười năm qua đã làm tất cả
những gì mà một thủ tướng Việt Nam có thể làm để làm vừa lòng Trung Quốc. Ông
đã để cho hàng hóa Trung Quốc tràn ngập vào Việt Nam như chỗ không người. Ông
đã xuất khẩu một số lượng lớn hàng hóa Trung Quốc mang nhãn Made in Vietnam, đó
là một trợ giúp cho Trung Quốc tuy nó cũng có lợi phần nào đối với Việt Nam,
ông đã cho thuê rừng đầu nguồn, ông đã cho phép Trung Quốc thành lập những khu
gần như tự trị kiểu như Vũng Áng tại Việt Nam. Và gần đây ngày 30/4/2015 ông đã
lên tiếng đanh thép để lên án đế quốc Mỹ, để hô lại một khẩu hiệu mà trong vòng
hơn 20 năm qua tôi không thấy một lãnh tụ cộng sản nào hô nữa là khẩu hiệu
"Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", mà chúng ta tưởng đâu đã lùi
hẳn vào quá khứ rồi. Nói chung ông Dũng có cảm tưởng là ông ấy bị Trung Quốc bỏ
rơi vì thân Mỹ, thân phương Tây nên ông ấy cố gắng lấy lòng Trung Quốc bằng
cách lên án, gần như tuyên chiến với Hoa Kỳ.
Nhưng cuối cùng thì ông ấy mất tình
cảm của các nước dân chủ, của Mỹ, nhưng không tranh thủ được sự ủng hộ của
Trung Quốc. Lý do giản dị là vì Tập Cận Bình đang tiến hành môt chính sách dữ
dội và khó khăn để chống tham nhũng cho nên Tập Cận Bình không thể ủng hộ ông
Dũng được bởi vì ông Dũng đối với dư luận của cả thế giới và của cả mọi người
là một người tham nhũng. Ngay cả những người ủng hộ ông Dũng cũng không thể
chối cãi sự kiện là ông Dũng rất tham nhũng. Tập Cận Bình hiện đang ở trong
tình thế khó khăn nên không thể yểm trợ ông Dũng được dù trọng lượng của Trung
Quốc lên Đảng Cộng sản Việt Nam còn khá lớn.
Cho nên vào giờ này
tôi có thể nói có một khúc quanh, khúc quanh đó quan trọng đến mức độ nào thì
hãy đợi tương lai cho chúng ta biết vì ngay cả những người cộng sản hiện nay
cũng chưa biết. Đó là sự thất sủng của ông Dũng có thể tiên liệu được.
Nhân việc nói quan hệ
Việt Nam - Trung Quốc tôi muốn nói tới điều này:
- Cho đến ngày hôm nay
tất cả cấp lãnh đạo đảng cộng sản, dù là Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng,
Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng hay bất cứ ai, có thể có quan điểm khác nhau
trên nhiều vấn đề nhưng họ đều đồng ý phải dựa Trung Quốc để giữ nguyên chế độ.
Điều họ cần nhận định ra trước khi quá trễ là Trung Quốc không còn là chỗ dựa
nữa. Trên thực tế họ đang dựa lưng vào môt bức tường bằng giấy.
- Điều thứ hai là đối
với những người dân chủ Việt Nam. Nhân đại hội này tôi cũng muốn phát biểu một
ý kiến. Cho đến ngày hôm nay có rất nhiều người tuy trong thâm tâm mong muốn
một cách rất thành thực dân chủ cho Việt Nam, nhưng nghĩ rằng phong trào dân
chủ không có lực lượng, không có tổ chức nên đàng nào dù muốn hay không chế độ
này vẫn tiếp tục, cho nên phải thở dài mà thỏa hiệp với nó và hy vọng cải tổ
được phần nào hay phần đó từ bên trong.
Nhưng ngày hôm này
theo tôi suy nghĩ đó rất sai. Chế độ này đã phân hóa quá rồi. Nó đang sống
những ngày cuối cùng và đằng nào cũng sụp đổ. Vậy thì vấn đề đối với những
người dân chủ Việt Nam rất giản di: Một là chúng ta để cho đảng và chế độ này
sụp đổ trong sự hỗn loạn nhường chỗ cho một khoảng trống chính trị; hai là
chúng ta chuẩn bị một giải pháp chuyển hóa về dân chủ trong hòa bình, trong
tinh thần anh anh em, trong tình đồng bào, trong tinh thần hòa giải và hòa hợp
dân tộc.
Như vậy chúng ta phải
xây dựng lực lượng. Nếu chúng ta không có lực lượng thì chúng ta phải xây dựng
ra lực lượng dân chủ đó vì đàng nào nó cũng cần. Chúng ta không thể dựa vào
đảng cộng sản để cải tổ được nữa bởi vì đảng cộng sản đã tích lũy quá nhiều mâu
thuẫn, nó đã suy nhược đến mức không thể phục hồi được. Nó đang sống những ngày
cuối cùng và đàng nào nó không thể tồn tại.
Điều tôi tin tưởng vào
lúc này là có rất nhiều triển vọng Đại hội XII sẽ là đại hội cuối cùng của đảng
cộng sản như là một đảng cầm quyền. Sau đó một là nó không còn nữa. Hai là nếu
nó còn thì nó cũng chỉ là một đảng bình thường như các chính đảng Việt Nam
khác.
TQT: Xin cảm ơn ông Nguyễn
Gia Kiểng
17.01.2016
__._,_.___
No comments:
Post a Comment