2016-05-18
Ngư dân Thanh Hóa
với tàu đánh cá của họ. Ảnh minh họa chụp tháng 10/2013.
AFP photo
Do tình trạng tình trạng biển nhiễm độc, nên tàu đánh cá của ngư dân
4 tỉnh miền Trung đang phải đậu kín bờ. Đã khiến cuộc sống của ngư dân hết sức
bấp bênh.
Khó khăn trăm bề
Dưới các nhan đề "Xác xơ mùa biển lặng", "Thuyền
ven bờ “nằm im”, tàu xa khơi vướng nợ"… của báo chí trong nước gần đây, đã
lột tả hậu quả của thảm họa môi trường trên diện rộng tại vùng biển miền Trung,
thuộc các tỉnh Hà tĩnh, Quảng bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
Điều đó không chỉ gây ra các thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội trên
diện rộng, mà đã làm cho số đông người dân dọc bờ biển miền Trung chạy dài hàng
trăm km, lâm vào cảnh khốn đốn vì không có việc làm.
Ông Hoa một ngư dân ở Hà Tĩnh cho biết, bình thường bây giờ đang là
mùa cao điểm đánh bắt cá, song cho dù biển không hề có thiên tai hay bão tố nhưng
tàu thuyền vẫn phải nằm kín bờ không ra khơi.
Ông nói với chúng tôi:
“Ngày hôm kia cá sào, cá bờ vẫn còn chết, tình hình bây giờ những
người sống bằng nghề biển khó khăn rất nhiều, bởi vì cá chết hết rồi. Mà có đánh
bắt được thì cũng không có người mua, mang ra chợ thị trấn rồi cũng phải mang
đi đổ vì không ai dám ăn. Ở những vùng làm muối thì người ta cũng cấm vì biển
đang ô nhiễm. Những người nuôi trồng thủy hải sản thì bây giờ cũng rât khó. Tất
cả bây giờ chỉ ngồi ở nhà thôi.”
Ngày hôm kia cá sào, cá bờ vẫn còn chết, tình hình bây giờ những
người sống bằng nghề biển khó khăn rất nhiều, bởi vì cá chết hết rồi.
- Ông Hoa, ngư dân ở Hà Tĩnh
Bà Thành ở Hương Trà, Huế cho biết: từ khi cá chết hàng loạt, gia
đình bà ra biển thì không được và không có việc làm. Với một tâm trạng lo lắng
bà Thành bày tỏ:
“Chả biết thế nào được. Nhà nước phải có trách nhiệm giúp đỡ cho
ngư dân 4 tỉnh miền Trung để đền bù thiệt hại, được tí nào thì đỡ ít ấy. Bây giờ
biển chả có cá nên chẳng đi làm ăn gì được thì phải khó khăn rồi, dân ở đây bây
giờ đi làm thuê ở xa, ở các nơi vào vùng Tây nguyên chứ có ai ở nhà đâu.”
Theo VNN online cho biết, trước những khó khăn của bà con ngư dân
ngày 9/5/2016 Thủ tướng đã ký quyết định 772/QĐ-TTg để hỗ trợ khẩn cấp cho người
dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng
do hiện tượng hải sản chết bất thường.
Cụ thể, hỗ trợ hộ nông dân, ngư dân, cơ sở nuôi trồng thủy sản bị
ảnh hưởng 15kg gạo/người/tháng trong thời gian 1,5 tháng. Hỗ trợ một lần tối đa
5 triệu đồng/tàu đánh bắt ven bờ do phải tạm ngừng ra khơi khai thác hải sản. Đối
với các doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá … được vay vốn tín
dụng với lãi suất thấp nhất và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất, trong
thời gian tạm trữ tối đa 6 tháng để thu mua, tạm trữ hải sản từ ngày
05.5-5.6.2016. Ngoài ra, hải sản khai thác trong vùng biển từ 20 hải lý
trở vào bờ thuộc 4 tỉnh, khi cơ quan có thẩm quyền xác nhận không bảo đảm an
toàn buộc phải tiêu hủy thì được hỗ trợ không quá 70% giá trị.
Chính quyền hỗ trợ gì
Trả lời câu hỏi về sự giúp đỡ của nhà nước đối với ngư dân theo quyết
định 772/QĐ-TTg đã được các địa phương triển khai như thế nào?
Theo ông Giáp cho, ở Quảng bình có cá điểm thu mua cá từ các tàu đánh
bắt xa bờ, nhưng người dân thì sợ không dám ăn. Ôngnói:
“Tại địa phương tôi thì bà con nhận được gạo hỗ trợ, còn các tàu
cá đánh bắt trực tiếp thì ghe nói mỗi tàu được nhận 1 triệu đồng. Cũng có nghe
cái thông tin (hỗ trợ 5 triệu) ấy, nhưng hiện giờ chưa ai được nhận. Tôi và một
số người đang chờ xem họ có cấp thật hay không, hay chỉ là họ hứa cho qua.”
Ông Hoa cho biết:
“Cũng nghe thấy đài báo nói thế nhưng vấn đề thực hiện thì vẫn
chưa thấy gì, mới chỉ thấy được cấp 15kg gạo/tháng cho một khẩu trong một tháng
rưỡi. Còn chuyện tiền bạc thì vẫn chưa thấy gì.”
Dưới nhan đề “Quảng Bình: Chính quyền chưa hỗ trợ người dân như lời
hứa”, báo Dân luận online cho biết: “Trăm
nghe không bằng một thấy. Bộ NN&PTNT thông báo là đã cấp giấy chứng nhận
nguồn gốc cho các ngư dân đánh bắt thủy hải sản xa bờ ở các tỉnh miền Trung.
Đặc biệt, VTV có đưa tin là các loại thủy hải sản sau khi cấp giấy chứng nhận
nguồn gốc đã được người dân tin dùng trở lại. Nhưng khi phóng viên Dân Luận đến
đây thì sự thật không phải như thế.” Theo đó, các ngư dân ở bến cá thuộc
cửa biển Sông Gianh xã Nhân Trạch – huyện Bố Trạch – Quảng Bình đều cho hay họ
chưa nhận được thông tin về giấy chứng nhận cá sạch mà lãnh đạo địa phương
thông báo.
Theo thông tin hướng dẫn của cơ quan chính phủ về chương trình trợ
giúp cho ngư dân ở 4 tỉnh miền Trung, chúng tôi đã liên lạc tới UBND của 4 tỉnh
này để tìm hiểu thì hầu hết bị từ chối cung cấp thông tin. Theo sự chỉ dẫn, chúng
tôi đã liên lạc tới ông Hoài, một chuyên viên của UBND Tỉnh Quảng bình. Ông này
cho biết:
Nguyện vọng của tôi và bà con là trong lúc bà con không đi làm
được, thì yêu cầu nhà nước phải hỗ trợ cho người dân.
- Ông Hoa, ngư dân ở Hà Tĩnh
“Bây giờ tôi đang làm việc đó nhưng tôi không có chức năng cung
cấp thông tin, việc đó là quyền của lãnh đạo tôi chỉ là chuyên viên thôi. Đây
không phải là quyền và nhiệm vụ của tôi. ”
Trước thực trạng ngư dân không được nhà nước trợ giúp kịp thời, trong
một tâm trạng lo lắng, ông Giáp bày tỏ sự hy vọng của mình:
“Tất cả mọi thứ đều trông chờ vào biển, bây giờ biển như thế thì
không có ăn là chuyện đương nhiên rồi. Mới có một tháng thì như thế này, thì thêm
2-3 tháng nữa thì dứt khoát phải có chuyện rồi. Chuyện hứa hẹn của Nhà nước thì
nói chung là cũng không tin tưởng nhiều lắm, tuy vậy bà con vẫn còn hy vọng vào
cái gì đấy. Riêng tôi thì nghĩ cứ để họ hy vọng, còn cái gì đến thì nó sẽ phải
đến thôi.”
Còn ông Hoa tỏ ý nghi ngờ về sự trợ giúp này. Ông nói:
“Chuyện Nhà nước hứa hẹn sẽ hỗ trợ 5 triệu thì tôi nghĩ rằng đây
là họ nhằm giải quyết vấn đề tình thế để cho im bặt. Rồi mọi sự rồi cũng sẽ qua
đi, tức là họ làm như thế để nhẹ bớt các vấn đề.”
Tuy vậy, trước những khó khăn trong cuộc sống của người dân vùng biển
4 tỉnh miền Trung trong lúc nàyhiện tại, ông Hoa vẫn đề đạt các nguyện vọng của
mình. Ông bày tỏ:
“Bây giờ dân rất lo lắng, hoang mang vì không biết cuộc sống của
mình sẽ đi về đâu. Nguyện vọng của tôi và bà con là trong lúc bà con không đi
làm được, thì yêu cầu nhà nước phải hỗ trợ cho người dân. Không phải là một tháng,
hai tháng không chỉ là chuyện gạo, mà còn chuyện cho con cái học hành, vấn đề
chi tiêu khác để đảm bảo an sinh cuộc sống.”
Nhà báo Lâm Hùng báo Lao động viết rằng, biển là không gian, là nguồn
sống của hàng triệu ngư dân miền Trung. Nhưng thảm nạn cá chết xảy ra hơn 1
tháng qua khiến cả ngư dân đi biển lẫn người kinh doanh trên bờ điêu đứng theo.
Biển bạc bây giờ không còn yên ả bình thường như xưa nữa, biển bây giờ không
còn cho ngư dân miếng cơm manh áo. Ngư dân đã bị giằng mất manh áo miếng cơm,
tới đây không biết lấy gì để sinh sống. Và ai sẽ là người trả lời cho họ?
No comments:
Post a Comment