Khi người dân lên tiếng
Văn Chu
Cùng tác giả:
- Xoá dần môn Lịch Sử để
triệt tiêu tinh thần dân tộc?
- Terror in Little Saigon:
Một phim với những thông điệp nghe quen quen
- Khi Đảng CSVN kêu gọi
nhân dân đóng góp ý kiến….
Càng ngày người ta thấy người dân Việt đang thể hiện sức mạnh của
mình qua sự lên tiếng đồng loạt chứ không còn im lặng chịu đựng hay than trách
riêng lẻ như trước kia. Những vụ việc gần đây cho thấy điều đó.
Vụ thứ nhất:
dư luận bất bình vụ xử phạt tiền và kỷ luật công nhân viên chỉ vì chê chủ tịch
UBND của mình trên facebook: số là bà Lê Thị Thùy Trang, tổ trưởng tổ chuyên
môn Ngữ văn Trường THPT Long Xuyên (TP Long Xuyên) có bình luận trên trang
facebook của mình về cái mặt kênh kiệu của ông Vương Bình Thạnh - chủ tịch UBND
tỉnh An Giang.
Sau đó ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc, nhân viên Điện lực An Giang có
vào bấm like biểu đồng tình với bà Trạng. Chiều 14-11, Sở Thông tin Truyền thông
tỉnh An Giang ra quyết định xử phạt bà Trang và ông Phúc mỗi người 5 triệu
đồng, do cả 2 vi phạm truyền đưa lưu trữ sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín
danh dự người khác.
Cùng lúc, Đảng ủy khối dân chính Đảng tỉnh và Sở Công thương An
Giang cũng quyết định xử lý kỷ luật cảnh cáo Đảng và chính quyền đối với bà Phan
Thị Kim Nga (phó văn phòng Sở Công thương) vì bà Nga, vợ ông Phúc, đã cho chồng
dùng tài khoản và mật khẩu của mình trên facebook để hùa theo bà Trạng.
Sự việc trên đã làm cộng đồng mạng Facebook bất bình và dấy lên
tiếng nói đồng loạt chê bai phản đối thái độ quan liêu lạm dụng quyền lực của ông
chủ tịch UBND và ban lãnh đạo tỉnh An Giang.
Trước sức ép của dư luận, hơn một tuần sau đó ông Vương Bình Thanh
đã phải chỉ đạo cho các sở ngành của tỉnh xem xét lại việc xử lý kỷ luật trên
và ngày 24 tháng 11, các quyết định kỷ luật này đã bị thâu hồi và 3 người trên
chỉ bị phê bình nhắc nhở trong cơ quan của mình thôi.
Vụ thứ hai:
Gần đây bộ giáo dục dự tính tích hợp môn Lịch Sử với Giáo dục Công dân và An
ninh Quốc phòng thành môn Công dân Với Tổ quốc. Và môn này sẽ là môn tự chọn
không bắt buộc cho học sinh Trung học Phổ Thộng. Dự thảo này đã gặp nhiều chống
đối từ các nhà khoa học, chuyên gia, giáo viên dạy lịch sử.
Nói chung hầu hết đều không tán thành dự thảo, bày tỏ nỗi ưu tư
các thế hệ tương lai sẽ không còn biết gì đến lịch sử dựng nước và giữ nước với
bao công ơn, hy sinh xương máu của tiền nhân.
Chính những giòng lịch sử này mới là chất liệu căn bản của cái hồn
Việt, của tinh thần dân tộc; không còn biết đến lịch sử là sẽ mất đi bản gốc
của mình, nhất là khi một chương trình trên VTV1 đã thăm dò 40 em học sinh ở Hà
Nội từ 9 tới 15 tuổi biết gì về sự liên hệ giữa Quang Trung và Nguyễn Huệ, thì
90% các em đều trả lời sai.
Cộng đồng mạng, và phóng viên báo chí đã vào cuộc quảng rộng các
nỗi ưu tư trăn trở trên và trước sức ép của dư luận, chiều 27/11, Quốc hội CSVN
đã thông qua nghị quyết yêu cầu giữ môn học lịch sử trong chương trình sách
giáo khoa mới.
Vụ thứ ba:
Dư luận bất mãn việc cô giáo bị hạ bậc xếp hạng chỉ vì than thở về sự thiếu an
toàn của cây cầu sập do làm ăn cẩu thả của xã:
Ngày 21-10, cô Hải Âu, giáo viên trường tiểu học xã Tân Hiệp,
Huyện Thạnh Hoá, Tỉnh Long An đã viết trên FB: “Trưa nay, một cán bộ quản lý trường
tôi trên đường đi công tác về thì gặp tai nạn khi qua cầu M3. Cả người và xe
rơi xuống kinh lớn sâu hơn 10 m, chiều ngang 13 m. Nếu không có đồng nghiệp đi
cùng thì người ấy sẽ ra sao? Cách đây vài năm, trong một trường hợp tương tự,
một giáo viên trường tôi đã ra đi vĩnh viễn. Thử hỏi có ai nhìn thấy được cảnh
nơm nớp lo sợ hay mọi nguy hiểm luôn đe dọa với người dân đi trên con đường
này. Thực chất chúng tôi không cần trải thảm nhung để đi nhưng chúng tôi cần sự
an toàn…”. Cầu M3, làm bằng gỗ dài 30 m, rộng 1,2 m chỉ mới 1 tuổi thôi.
Sau đó, ông Trần Ngọc On, bí thư đảng ủy xã Tân Hiệp, đã yêu cầu
cô giáo gỡ xuống nội dung này trên facebook rồi viết bảng tự kiểm điểm, và hạ
một bậc đánh giá đối với cô Hải Âu, từ “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” xuống “Hoàn
thành nhiệm vụ” trong cuộc họp đánh giá chất lượng đảng viên thường lệ.
Các đồng nghiệp của cô giáo đã rất bất bình xôn xao, kéo theo cộng
đồng mạng Facebook vào cuộc chỉ trích thái độ không biết phục thiện còn trả thù
vặt của lãnh đạo xã. Phóng viên báo nhà nước cũng theo sau, trực tiếp đặt vấn
đề với ông On.
Trước sức ép của công luận lên tiếng phản đối ồ ạt, nhất là trên
FB, nên ông On hôm 5/12 đã thu hồi quyết định hạ bậc xếp hạng và cho biết đảng
ủy sẽ đến xin lỗi cô Hải Âu.
Điểm qua vài sự kiện trên ta thấy gì?
1- Như đã viết ở trên người dân Việt nay đã không còn tinh thần makeno
của những năm trước đây mà sẵn sang lên tiếng trước những việc trái tai gai
mắt.
2- Việc bưng bít thông tin không cho các lên tiếng bất bình của
dân lan rộng đã không còn có thể hữu hiệu trong thời đại internet với mạng xã
hội như facebook, cho nên người dân tuy ở xa nhau vẫn có thể liên kết hỗ trợ
nhau qua các mạng xã hội tạo nên tiếng vọng ồn ào khiến ngay cả truyền thông
trong luồng không thể làm ngơ phải chạy theo nhập cuộc.
3- Khi dư luận ồn ào đủ để tạo sức ép, phía cầm quyền dễ phải
nhượng bộ, lùi bước.
4- Điều trên giúp cho người dân càng ngày càng vững tin hơn ở khả năng
tạo sức ép của mình lên chính quyền để thực hiện quyền làm chủ tập thể thực sự
của mình.
Đây là những bước để tiến lên dân chủ hoá đất nước, vì dân chủ là chính
quyền không còn là cha mẹ dân như thời độc tài, phong kiến, mà là phải theo ý
dân, chịu áp lực từ dân.
Vấn đề còn lại là người dân dần dần sẽ làm sao gia tăng sức ép của
mình lên chính quyền qua sự cùng nhau tham gia đông đảo đồng loạt, biểu hiện
tiếng nói chung của mình một cách mạnh mẽ qua nhiều hình thức và phương tiện
khác nhau từ mạng xã hội ảo trên internet tiến qua mạng xã hội thật, trong đời
sống thực sự ngòai đường phố.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment