Thư số 53a gởi:
Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam
Phạm Bá Hoa
Tôi chào đời năm 1930,
vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1954, chống lại cuộc chiến tranh do nước Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa gây ra. Trong bang giao quốc tế, quốc gia này đánh chiếm
quốc gia kia, không có tên gọi nào khác ngoài hai chữ “xâm lăng”. Sau ngày
30/4/1975, lãnh đạo cộng sản Việt Nam với lòng thù hận đã đày đọa chúng tôi
trong hơn 200 trại tập trung mà họ gọi là trại cải tạo, hằng trăm Bạn tôi đến
17 năm, riêng tôi là 12 năm 3 tháng.
Tuy tên Quốc Gia và Quân
Lực mà tôi phục vụ không còn nữa, nhưng linh hồn trong quốc kỳ nền vàng ba sọc
đỏ vẫn nguyên vẹn trong tôi. Tôi không hận thù lãnh đạo Các Anh, nhưng tôi
không bao giờ quên quá khứ đau thương tàn bạo mà họ gây ra cho Tổ Quốc, Dân Tộc!
Vì vậy mà tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ về Việt Nam cho đến khi quê
hương tôi có một chế độ dân chủ tự do thật sự.
Các Anh là Người Lính Quân Đội Nhân
Dân Việt Nam. Xin gọi Người Lính Quân Đội Nhân Dân ngắn gọn là “Các Anh” để tiện
trình bày. Chữ “Các Anh” viết hoa mà tôi sử dụng ở đây, bao gồm từ người
lính đến các cấp chỉ huy, ngoại trừ lãnh đạo cấp Sư Đoàn, Quân Đoàn, Quân Chủng,
Bộ Tổng Tham Mưu, và Bộ Quốc Phòng. Là Người Lính trong quân đội “Nhân Dân”, Các
Anh phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Nhân Dân, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là
trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền cũng chỉ một
giai đoạn của lịch sử, và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản
đó.
Nội dung thư này, tôi đưa
Các Anh "đi dọc" theo sông Cửu Long từ thượng nguồn ngang qua lãnh thổ
Trung Hoa, Thái Lan, Lào, và Cam Bốt, rồi từ biên giới Việt - Miên ra tận Biển
Đông, Các Anh sẽ nhận ra tình trạng khô hạn vùng đồng bằng Cửu Long, trong khi
nước mặn xâm nhập vào vùng này, dĩ nhiên là tôi sẽ giải thích một cách tổng
quát về nguyên nhân.
Thứ nhất. Vùng đồng bằng Cửu
Long.
Sông Mê Kông trên bản đồ
quốc tế, nhưng khi chảy vào Việt Nam chúng ta thì gọi là sông Cửu Long, lớn
hàng thứ ba Châu Á và là thứ 11 trên thế giới. Phát nguyên từ
Tây Tạng, dài 4.200 cây số, chảy qua Trung Hoa, biên giới Lào-Thái, rồi Cam Bốt,
trước khi đổ vào Việt Nam với hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang, rồi đổ ra Biển
Đông theo 9 nhánh là Định An, Ba Thắc, Trần Đề, Đại, Tiểu, Hàm Luông, Cổ Chiên,
Cung Hầu, và cửa sông Ba Lai. Khoảng phân nửa chiều dài sông Mê Kông chảy ngang
lãnh thổ Trung Hoa, có tên là Lạng Thương Giang.
Đồng bằng
sông Cửu Long gồm 12 tỉnh, là: Tỉnh Long An (tức Long An và Kiến Tường cũ). Tỉnh Tiền Giang (tức Mỹ Tho cũ). Tỉnh Bến Tre. Tỉnh Vĩnh Long. Tỉnh Trà Vinh. Tỉnh Hậu Giang
(Cần Thơ cũ). Tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh Đồng Tháp
(Sa Đéc và Kiến Phong cũ) Tỉnh An Giang. Tỉnh Kiên Giang. Tỉnh Bạc Liêu. Và
tỉnh Cà Mau.
Vùng đồng bằng này do những trầm tích phù sa bồi đắp nhờ mực nước biển thay đổi qua nhiều thế kỷ, cũng từ đó
mà hình thành những giồng cát dọc theo bờ biển như những con đê thiên nhiên. Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển, đã tạo nên những
vạt đất phù sa phì nhiêu dọc theo ven sông, ven biển, tạo nên những đầm mặn Cà
Mau, những trũng thấp như Đồng Tháp Mười, Cái Sắn (Rạch Giá), và rừng U
Minh (Cà Mau). Riêng rừng U Minh và quận Năm Căn, chịu ảnh hưởng của nước biển
mặn, hình thành vùng ngập nước mặn với rừng cây đước và cây mắm.
Sông dài, mưa nhiều, nước chảy mạnh,
nên lưu lượng trung bình của hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang khoảng 90.000
thước khối trong 1 giây đồng hồ. Cũng trong 1 giây đồng hồ đó, hai nhánh sông
này chuyên chở khoảng 15 phần 10.000 trọng lượng phù sa cho đồng bằng sông Cửu
Long -nhất là "cù lao" 3 tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, và Vĩnh Bình-
giúp cho vùng đất này mầu mở, ruộng đồng nương rẫy và vườn cây hoa trái tốt
tươi (trích trong Wikipedia).
Theo tài liệu của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam năm 2011, tổng diện tích các tỉnh
thuộc đồng bằng sông Cửu Long là 40.548 cây số vuông, với tổng số dân là
17.330.900 người. Dù diện tích canh tác nông nghiệp chưa tới 30% của toàn quốc,
nhưng sản lượng lúa thu được hơn 50% trong tổng sản lượng toàn quốc. Vì vậy mà
đồng bằng sông Cửu Long, là vùng xuất cảng gạo nòng cốt của Việt Nam. Ngoài ra
cây ăn trái và những đặc sản nổi tiếng của vùng này, vừa nhiều vừa đạt phẩm chất
cũng như hương vị của từng loại.
Cũng vì vậy mà hằng chục đập thủy điện
ở thượng nguồn sông Mê Kông, biến đổi khí hậu, là hai nguyên nhân đã và đang
mang thảm họa vào đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ hai. Những đập thủy điện và thảm họa từ nó.
Trung Cộng đã xây dựng một hệ thống
đập thủy điện trên phần thượng lưu Mê Kông mà Trung Cộng gọi là "Lạng
Thương Giang" mà không tham khảo ý kiến các nước vùng hạ lưu hoặc thông
báo những tin tức về dòng chảy của con sông này. Sáu đập lớn đã xong hoặc đang
xây dựng, là: (1) Đập Dacgaoshan, phiên âm là Đại Chiếu Sơn, hoàn thành
năm 2003. (2) Đập Manwan, phiên âm là Mãn Loan, xong năm 2007. (3)
Đập Jinghong, phiên âm là Cảnh Hồng, xong năm 2009. (4) Đập
Xiaowan phiên âm là Tiểu Loan, cao 300 thước, xong năm 2010. (5) Đập
Nuozhadu, phiên âm là Nọa Trát Độ, cao 248 thước, dự trù xong vào năm 2017. (6)
Đập Gonguagao (không thấy phiên âm), dự trù xong vào năm 2020. Ngoài ra, còn 9
đập nhỏ cũng đang xây dựng.
Theo sau Trung Cộng, là Lào với
Cam Bốt cũng có 11 dự án xây dựng đập thủy điện trên dòng sông Mê Kông trong phần
lãnh thổ của họ. Lào với 9 dự án thủy điện là đập Pak Beng, Luang
Prabang, Xayaburi, Pak Lay, Xanakham, Lat Sua, Ban Koum, đập Don Sahong, và đập
Pak Chom. Cam Bốt với 2 dự án thủy điện là đập Strung Treng và đập
Sambor.
Thảm họa vùng đồng bằng Cửu Long từ
những đập đó.
Ông Peter Gleick, chuyên gia
của Viện Thái Bình Dương có văn phòng tại California (Hoa Kỳ) nhận định: "Trung
Cộng là một trong ba nước bỏ phiếu chống lại Hiệp Ước năm 1997 của Liên Hiệp Quốc
về việc quản trị các dòng sông Mê Kông, và chưa bao giờ đồng ý đàm phán về việc
cùng sử dụng chung dòng sông này. Các đập thủy điện trên đây đã làm thay đổi
chu kỳ lũ lụt hạn hán tự nhiên của hạ lưu sông Cửu Long, làm giảm lượng nước,
giảm trầm tích, và giảm lượng phù sa vào lưu vực Tiền Giang, Hậu Giang, và vùng
duyên hải Việt Nam".
Năm 2012, Tổ chức Ủy Hội Sông Mê Kong nhận định: "Trước
mắt, Việt Nam sẽ phải đối mặt với 4 vấn đề sau đây. Về dòng chảy, ảnh hưởng
đến nông nghiệp và ngư nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, bởi mức độ nước mặn
từ biển xâm nhập vào những sông rạch vùng này sẽ gia tăng. Về phù sa,
khoảng 26 triệu tấn phù sa/năm hiện nay, sẽ còn lại khoảng 7 triệu tấn/năm, dẫn
đến suy giảm năng suất nông nghiệp, cùng lúc sẽ gia tăng hiện tượng xói lở bờ
sông làm giảm dần diện tích đất liền. Về thủy sản, đồng bằng này sẽ thiệt
hại khoảng 1 tỷ mỹ kim do tổn thất các loài cá trắng chiếm đến 65% lượng
cá trên sông này.
Trong khi đó, cá trắng lại là thức ăn của cá đen, chiếm 35%
lượng cá còn lại, nên sự biến mất của cá trắng, cũng có nghĩa là cá đen cũng biến
mất. Về mặt xã hội, khoảng 14 triệu nông dân và ngư dân sống dựa vào sản
xuất nông nghiệp ngư nghiệp, sẽ bị ảnh hưởng nặng". Ủy Hội Sông
Mê Kông nhận định tiếp: "Trong 17 đập thủy điện suốt chiều dài sông Mê
Kông, không có đập thủy điện nào của Việt Nam, nhưng Việt Nam là quốc gia hạ
nguồn gánh chịu mọi thảm họa từ các đập đó.
Trong khi các đập thủy điện
đó hoạt động sẽ đem lại lợi ích không nhỏ cho các quốc gia chủ nhà, nhưng Việt
Nam sẽ mất đến 65% lượng cá, và hơn 100 loài sinh vật sẽ lâm vào cảnh giảm dần
cho đến tuyệt chủng. Thiệt hại nông nghiệp do lũ từ những hồ chứa nước đổ xuống,
ước tính vào khoảng 5 triệu mỹ kim mỗi năm. Lượng phù sa giảm trên đưới 65%, và
nông dân ngư dân sẽ lâm vào tình cảnh thảm hại, tự nó sẽ tác động đến vấn đề xã
hội".
Theo bản tin ngày 5/5/2015 của đài RFA: "Đồng bằng Sông Cửu
Long, vựa lúa lớn nhất của Việt Nam hiện đang chịu những tai họa, nếu nhà cấm
quyền Việt Nam không có biện pháp giải quyết kịp thời, thì trước mắt là những tổn
hại sản xuất trong nông nghiệp, dẫn đến đời sống nông dân khốn khổ.....".
Sáu tháng sau đó, vẫn đài RFA ngày
4/11/2015: "Các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông gây tổn
hại nghiêm trọng đến an ninh lương thực của Việt Nam.
Theo cảnh báo của giới
chuyên gia được báo Straits Times của Singapore trích đăng. Những đập thủy
điện ở thượng nguồn đang làm vùng hạ lưu dần dàn cạn sạch cá, tình trạng sói
mòn dọc bờ biển trở nên tồi tệ hơn, nhiều diện tích đất trồng lúa mất đi do bị
nhiễm mặn. Chưa hết, ông Marc Goichot, chuyên gia về thủy điện và sông
ngòi, hiện đang làm việc trong WWFN Quỹ Quốc Tế Bảo Vệ Thiên Nhiên tại Việt
Nam, khuyến cáo về dòng chảy trên sông Mê Kông đang bị chặn lại bởi nhiều
đập thủy điện của Trung Cộng.
Cũng phải kể đến 11 dự án thủy điện khác mà một số
quốc gia đang xây dựng". Vẫn theo lời ông Goichot: "Những
hoạt động khai thác cát quá đà đang đẫy nhanh tốc độ xói mòn những bờ sông, kế
đến hiện tượng nguồn nước ngầm cạn kiệt, đã làm phát sinh tình trạng đất lún
trong lúc mực nước biển cứ dâng cao khoảng 5 milimét mỗi năm, lấn dần vào
đất liền của đồng bằng sông Cửu Long, đe dọa 13.000 mẫu tây diện tích canh tác
lúa, và an ninh về lương thực của Việt Nam bị đe dọa là điều không thể tránh khỏi".
Bản tin đài RFA ngày 21/11/2015,
một nông dân tên Vị, sống ở Long Xuyên, An Giang, tâm sự với phóng
viên rằng: "Bây giờ ruộng đồng khó khăn rồi, không còn cá, mà lúa cũng
chẳng còn bao nhiêu. Cá thì hiếm hoi, ruộng thì ngập mặn, không còn phì nhiêu
như ngày xưa nữa đâu. Mọi thứ khó khăn rồi. Mấy chả (ý nói các cấp lãnh đạo Việt
Cộng. PB Hoa) ngồi trên đó, mấy chả ăn sung mặc sướng, ăn trên ngồi trốc, muốn
nói gì thì nói chớ có ai quan tâm gì đến dân đâu! Mình là dân, ngồi dưới
này hả họng như con cóc chờ mưa, còn mấy chả có hề hấn gì đâu…!” Vẫn
theo ông Vị: "..... Hiện nay, người nông dân cảm thấy mình không
còn ngây thơ để tin vào những luận điệu không có thật từ phía nhà nước. Biết
rằng, mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu như bày tỏ sự bất đồng đối với nhà cầm
quyền, nhưng không thể nào tin vào họ được. Bởi bao nhiêu điều họ nói từ trước
đến nay, làm cho người nông dân càng thêm khổ nhiều hơn. .....
Không riêng gì nông dân miền Tây, mà bất kỳ nông dân vùng miền nào trên đất nước
này đều phải chịu sự chi phối của nhà nước. Cán bộ nhà nước lúc nào nói cũng
hay, nhưng xét cho cùng thì họ tệ hơn rất nhiều so với các con buôn.....
"
Một người nông
dân khác tên Thiệt, ở Năm Căn, Cà Mau, tâm sự: "Bây giờ mực nước cạn
lắm rồi, cá cũng hiếm hoi lắm, tìm đỏ con mắt cũng không ra con cá đâu. Không
giống như ngày xưa tôm cá đầy đồng. Vì nước ở thượng nguồn sông Mê Kông bị nó
chặn hết rồi, cá cũng không về được nữa. Ngày xưa nước ngập đồng thì cá nó vô đồng
để đẻ, bây giờ không có nước ngập đồng nữa, nó lấy nước đâu mà vô đẻ. Bây giờ mọi
thứ đều cạn kiệt rồi, và đời sống của nông dân miệt vườn miền Tây đang rất khó
khăn.... Ở các tỉnh như Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Cà Mau, Cần
Thơ, càng ngày ngày càng nhiều diện tích ruộng bị nhiễm mặn, không thể trồng
lúa được nữa. Người dân sống nhờ đồng ruộng với cá tôm, nhưng giờ đây dòng
sông cạn kiệt, nước mặn tràn vào, không sản xuất được lúa, cũng không có cá tôm
để bắt, làm sao mà sống đây! Nỗi lòng của người nông dân là như vậy, trong
khi nhà nước với họ (ý nói Trung Cộng. PB Hoa) vẫn là anh em thân thiết, với bốn
tốt và mười sáu chữ vàng gì đó với họ".
Các Anh nghĩ sao thì tôi không rõ,
nhưng viết đến đoạn này, tôi cảm nhận như có gì đó trên hai bên má, tôi đưa tay
lên để gạt nó xuống, hóa ra đó là hai giọt nước mắt! Đúng là tôi khóc! Tôi
khóc, vì lời than của ông Vị và ông Thiệt, hai nông dân của đồng ruộng Miền
Tây, nơi mà tôi được chào đời (Sóc Trăng) và lớn lên trong những năm tiểu học.
Với dòng chữ mà tôi tô đậm ở đoạn trên, vừa đọc vừa nghe như có dòng âm thanh
rót vào tai làm cho tôi cảm nhận nỗi đau từ nơi sâu thẳm trong
lòng!
Ngày 26/1/2016, phóng viên Gia
Minh của đài RFA, tường thuật rằng: "Lào sẽ khởi công
xây đập Don Sahong từ tháng 4/2016, trong khi đập thủy điện Xayxaburi
hoàn thành khoảng 60%. Đập thủy điện này đã bị các chuyên gia môi trường của Ủy
Hội Sông Mê Kông phản đối, trong khi các quốc gia trong khu vực cũng phản ứng
gay gắt. . . Theo đánh giá của 39 nhà "sinh thái thủy học" trên thế
giới đã đăng trong tạp chí Science (Khoa học), thì những đập trên dòng
chính Mê Kông chảy qua lãnh thổ Trung Cộng, và những đập trên lãnh thổ Lào, sẽ
làm cho dòng chảy con sông bị thay đổi, luợng phù sa và cá giảm đi, và đường đi
của cá vào mùa sinh đẻ bị chặn lại, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.
Thế rồi việc
phá rừng để xây dựng đập và hồ chứa nước của công trình thủy điện cũng gây ra
bao tác hại cho môi truờng sống của cư dân bản địa, cũng như muông thú trong rừng.
Ngay cả Biển Hồ của Cam Bốt là hồ tự nhiên lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á, nơi
mà vào mùa mưa hằng năm nước về mở rộng diện tích mặt nước lên 4 lần so với mùa
khô, tạo nên vùng đất ngập nước tuyệt vời làm nơi sinh sản cho các loài cá cũng
như bồi đắp phù sa cho một vụ mùa lúa bội thu vào năm sau. Ngoài ra một khi nước
rút từ Biển Hồ ra lại dòng Mê Kông mang theo nguồn thủy sản dồi dào cung ứng
cho cư dân vùng hạ lưu......".
Tiến sĩ Nguyễn Phong Phú, một
chuyên gia tại An Giang, phát biểu như một lời khẳng định rằng: "Vì chịu
ảnh hưởng trực tiếp từ những đập thủy điện trên thượng nguồn, mà giờ đây
người dân vùng đồng bằng Cửu Long không còn cá để bắt nữa. Những năm trước đây,
người dân tỉnh An Giang và Đồng Tháp "chất chà" dọc theo bờ sông để
cá vào đó trú ẩn, mỗi tháng bắt một lần cũng được chút ít. Bây giờ -năm
2016- thì dòng sông này còn con cá nào nữa đâu mà bắt".
Ngày 11/03/2016, Ủy hội sông Mê Kông cho
biết: "Hiện nay, Trung Cộng đã đưa vào hoạt động một số trong số 15 đập
thủy điện lớn nhỏ trên thượng nguồn. Cũng trên dòng sông này, 11 đập thủy điện
lớn nhỏ khác cũng được các nước hai bên dòng sông có kế hoạch xây dựng. Nhiều
chuyên gia lo ngại, những cái đập không khác gì những quả “bom nước” khổng lồ
lơ lửng trên đầu hai chục triệu người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trên
lãnh thổ Việt Nam. Trung Cộng cũng từ chối thỏa hiệp với các nước liên
quan về việc tận dụng dòng sông. Trên thế giới, đã có nhiều trường hợp các nước
ngồi lại cùng bàn thảo, chia sẻ tin tức và hợp tác cùng sử dụng chung nguồn nước".
Thứ ba. Giải
pháp.
Ngày 13/1/2016, Ủy Hội Sông Mê
Kông họp tại thủ đô Phnom Penh của Cam Bốt, thảo luận những thách thức mà vùng
này đang đối mặt, vì có những điều mà các bên vẫn chưa thống nhất được với nhau
vì quyền lợi riêng. Theo Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1997 với những nguyên tắc
căn bản và thực hành về luật nguồn nuớc quốc tế, củng cố thêm cho những thỏa
thuận đang có về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao
thông-UNWC1997, nhưng trong 4 quốc gia của Ủy Hội Sông Mê Kông, đến nay chỉ có
Việt Nam phê chuẩn Công Ước này.
Căn cứ vào Công Ước Liên Hiệp Quốc
UNWC 1997 và vấn đề liên quan thủy điện tại lưu vực Sông Mê Kông, Tiến sĩ Tô
Văn Trường nhận định: "Việt Nam là nước thứ 35 phê chuẩn Công ước
UNWC. Công ước đã chính thức có hiệu lực và trở thành luật quốc tế áp dụng cho
các nguồn nước quốc tế. Ngay từ khi Công Ước còn đang ở dạng dự thảo, 4 nước hạ
lưu sông Mê Kông (Cam Bốt, Lào, Thái Lan, và Việt Nam) đã nghiên cứu, vận dụng
nhiều quy định và đưa vào Hiệp Định Mê Kông (MRC) ký năm 1995. Do đó,
tinh thần căn bản từ các quy định của Công Ước hoàn toàn có thể áp dụng trong
lưu vực sông Mê Kông. Riêng về thủy điện trên dòng chính con sông này, MRC đã
quy đinh rất rõ ràng về khối lượng nước và phẩm chất nước mà các quốc
gia thành viên phải tôn trọng".
Ông Trường phát biểu tiếp:
"..... Xin lưu ý rằng Cam Bốt, Lào, và Thái Lan đã bỏ
phiếu thông qua Hiệp Định MRC 1995, như vậy đã được coi là tán thành tinh thần
của Convention 1997 trong các quy định nêu tại Công ước.” (trích bài của Gia
Minh, đài VOA)
Ngày
19/02/2016, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục Phó Tổng
Cục Thủy Lợi thuộc Bộ Nông Nghiệp cho biết: "Gần 100 năm qua,
đây là lần đầu tiên mà đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán và nước mặn xâm lấn
nghiêm trọng nhất. Đã tàn phá nặng nề các cánh đồng và những vườn cây, cả các
khu rừng, đến nước ngọt cho sự sống cũng thiếu trầm trọng". Bộ Trưởng
Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Cao Đức Phát cho biết: "Hạn
hán và nước mặn xâm lấn đã phá hỏng nhiều đồng lúa, thiệt hại trị giá khoảng
1.000 tỷ đồng Việt Nam". Trong khi đó, Viện Khoa Học Thủy
Lợi Miền Nam dự báo: "Ngoại trừ thành phố Cần Thơ và tỉnh An Giang với
Đồng Tháp, tất cả các tỉnh khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đều bị nước
mặn xâm lấn trong năm 2016 này. Riêng tỉnh Kiên Giang, nước mặn đã và đang phá
hủy hơn 30.000 mẫu tây lúa....".
Ngày 01/03/2016, bản tin của AFP cho biết: "Giáo sư Lê Anh Tuấn, chuyên
nghiên cứu về biến đổi khí hậu tại Đại Học Cần Thơ, ước tính có hơn 1.000.000 mẫu
tây đất trồng trọt của đồng bằng Cửu Long bị nhiễm mặn, mà hiện nay chưa
có biện pháp nào để cứu vãn....."
Ngày 7/3/2016, trong buổi họp tại Cần Thơ, Thủ Tướng đã hỗ trợ cho 9 tỉnh đã có thống
kê về thiệt hại vì nước mặn từ biển xâm nhập vào, bằng cách cung cấp 137 tỷ đồng
theo đề nghị của các tỉnh. Thủ Tướng mong muốn các tỉnh thống nhất hành động
các biện pháp cấp bách trước mắt, để hạn chế thấp nhất thiệt hại và hỗ trợ người
dân vượt qua khó khăn, dứt khoát không để hộ dân nào bị đói. Đồng thời thống nhất
các giải pháp lâu dài và xác định nguồn lực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu
khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo báo cáo, vùng bị thiệt hại nặng nhất, với
155.000 gia đình (trong ngước gọi là hộ dân. PB Hoa) gồm 700.000 người, thiếu
nước ngọt trong sinh hoạt hằng ngày. Nếu khô hạn tiếp tục kéo dài như hiện
nay, thì toàn vùng dự báo sẽ có khoảng 500.000 mẫu tây không thể làm mùa được,
chiếm hơn một nửa diện tích của các tỉnh ven biển và gần 30% diện tích gieo trồng
của toàn khu vực.
Theo Bộ Trưởng Bộ Nông
Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Cao Đức Phát nhận định: "Những gì
đang xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ là khởi đầu, và El Nino sẽ tiếp tục
kéo dài ảnh hưởng đến giữa năm nay, diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn…"
Bí Thư tỉnh ủy
Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể phát biểu: “Chúng ta đầu tư cho xây dựng cản
bản không nhỏ, nhưng tỉnh nào cũng làm cống đấp đê nhưng chưa hề phối hợp nhau.
Trường hợp tỉnh Sóc Trăng với Bạc Liêu là điển hình. Hai tỉnh cạnh nhau,
nhưng những mâu thuẫn dù ngồi lại với nhau vẫn không thể giải quyết được.
Bạc Liêu cần lấy nước mặn vào để nuôi cá nuôi tôm, trong khi Sóc Trăng cần lấy
nước ngọt, cứ vậy mà một bên muốn mở cửa lấy nước ngọt còn một bên muốn
chặn cửa lại để lấy nước mặn, Rất khó đạt được hiệu quả…”.
Sau khi nghe các tỉnh và các cơ quan
trình bày, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Đồng bằng sông Cửu
Long đang đứng trước thách thức rất lớn mà trước mặt là nước biển dâng cao, xâm
nhập mặn, và hạn hán. Riêng 160.000 mẫu tây lúa Đông Xuân bị thiệt hại tới
5.000 tỷ đồng và liên quan trực tiếp đến 1.500.000 người dân. Vụ Hè Thu tới
đây, nếu khô hạn tiếp tục thì toàn vùng có tới 500.000 mẫu tây không thể xuống
giống đúng thời vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 5.000.000 người dân, cùng
lúc khoàng 750.000 người không đủ nước sinh hoạt.... Ngân Hàng Nhà Nước chỉ thị
các ngân hàng thương mại khoanh nợ ngay, không tính lãi đối với các gia đình
nông dân bị thiệt hại nặng nề. Hãy duyệt lại cẩn thận, và xóa nợ cho những gia
đình thật sự kiệt quệ...."
Ngày 10/3/2016, theo bản tin của đài RFA,
thêm hai tỉnh vừa công bố tình hình thiên tai hạn mặn là Vĩnh Long và Trà Vinh.
Như vậy, tính đến ngày 10/3/2016, có 8 tỉnh trong số 12 tỉnh vùng đồng bằng Cửu
Long trong tình trạng hạn hán và nhiễm mặn đến mức độ nguy hiểm. Trong khi đó,
Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn thống kê đến ngày 7/3/2016, vùng đồng
bằng Sông Cửu Long có khoảng 139.000 mẫu tây lúa bị thiệt hại.
Cùng ngày 10/3/2016, tỉnh Bình Thuận -không thuộc đồng bằng Cửu Long- cũng tuyên bố tình trạng
thiên tai bởi hạn hán.
Ngày 11/3/2016, Việt Nam chánh
thức gởi Công Hàm yêu cầu Trung Cộng xả nước từ hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn
sông Mê Kông với dung lượng khoảng 43 tỷ thước khố nước, giúp Việt Nam thoát khỏi
hạn hán.
Trên báo Dân Việt ngày 14/3/2016,
có bản tin: "Bộ Ngoại Giao Trung Cộng cam kết "sẽ làm việc ngay với
các cơ quan liên quan để sớm có phương cách xả nước hồ chứa thủy điện Cánh Hồng
để giúp Việt Nam". Báo Dân Việt cũng nêu câu hỏi: "Liệu
bao giờ thì họ hành động?"
Ngày 14/3/2016, trong buổi hội
thải tại trường đại học Cần Thơ, Tiến Sĩ Đỗ Võ Anh Khoa nhận định:
"Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải giảm diện tích nông nghiệp, giảm diện
tích đất trồng cỏ cho gia súc, giảm phát triển chăn nuôi gia súc, đồng thời sẽ
tăng nhập cảng thức ăn chăn nuôi. Vì vậy mà nông nghiệp đồng bằng sông Cửu
Long, từ vựa lúa của toàn quốc, rất có thể sẽ phải đi mua lúa mua gạo về
ăn".
Trong khi Tiến Sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên
Cứu Biến Đổi Khí Hậu, phát biểu: "Đồng bằng sông Cửu Long đến trung tuần
tháng 3, sẽ bị xâm nhập mặn khốc liệt. Cần Thơ chưa từng bị xâm nhập mặn bao giờ,
thì đầu tháng 3 (2016) đến nay, nước mặn đã xâm nhập đến quận Cái Răng, với độ
mặn giao động từ 1 phần nghìn đến 2 phần nghìn. Nhà máy nước tại Cái Răng,
không được lấy nước sông lên để lọc, vì nước mặn đã vượt mức quy định theo tiêu
chuẩn dưới 0,75 phần nghìn.
"Nước mặn xâm nhập 13/13 tỉnh/thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long,
nếu tốc độ xâm nhập mặn như hiện nay, thì trong 3 năm tới, đồng bằng sông Cửu
Long có thể sẽ bị kiệt quệ, lúc ấy lương thực thực phẩm sẽ khan hiếm và đắt đỏ". (trích trong báo Ngày Nay ngày 19/3/2016).
Ngày 15/3/2016, Ủy Hội Sông Mê Kông
-trong đó có Việt Nam- sẽ làm việc với bốn nước Trung Cộng, Thái Lan, Lào, và
Miến Điện trong phiên họp lần thứ 43 của Ủy Ban Liên Hiệp Ủy hội Sông Mê Kông
quốc tế trong 3 ngày 15-17/3/2016, với mục đích yêu cầu các quốc gia này giúp
có giải pháp điều tiết nước cho vùng hạ lưu là đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng ngày 15/3/2016, ông Cao Đức
Phát, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, trong buổi họp tại Hà Nội, đã lên tiếng kêu gọi và đề nghị
các tổ chức quốc tế hỗ trợ, cứu trợ khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại
nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn, và thực hiện đắp đập tạm, đào ao, khoan giếng,
vận chuyển nước sinh hoạt, nối dài đường ống cấp nước sinh hoạt, máy lọc nước các
gia đình người dân. Về lâu về dài, Bộ này cũng kêu gọi các tổ chức quốc
tế tài trợ vốn các dự án ODA về xây dựng công trình và nâng cao năng lực quản
lý để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, tại vùng đồng bằng Cửu Long là một
thiên tai lịch sử từ trước đến nay của Việt Nam.
Hiện nay, tình trạng này đang ảnh
hưởng rất nghiêm trọng tới sản xuất và đời sống hàng chục triệu người dân....
Bên cạnh đó, chánh phủ cũng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi
công nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn và trữ nước ngọt, đồng thời với
phương châm không để người dân nào đói, các địa phương phải thống kê những gia
đình dân thiếu lương thực và cấp 15 kí lô gạo trên mỗi đầu người trong từng
tháng....".
Các Anh có nhận ra rằng: "Ông Bộ
Trưởng Cao Đức Phát nói rằng, chánh phủ đã yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến
độ thi công nhiều công trình thủy lợi năm nước mặn và trữ nước ngọt, nhưng ông
ta không nói vài trường hợp điển hình mà chỉ nói một cách quá ư là tổng quát,
trong khi quốc tế muốn trợ giúp thì họ phải nắm được những công trính đó là gì?
Đã làm được đến đâu? Hiệu quả như thế nào? ..v...v... Cách mà ông Phát
kêu gọi quốc tế, chẳng qua là để người dân tường là ông ta lo cho dân lắm. Chắc
là ông ta chưa nghe câu nói như một lời than, cũng là lời trách nhà nước, từ ông
Vị mà tôi ghi lại ở đoạn trên, rằng: "Hiện nay, người nông dân cảm
thấy mình không còn ngây thơ để tin vào những luận điệu không có thật từ phía
nhà nước".
Vietnamnet ngày 16/3/2016, một
đoạn trong bản tin Sông Mê Kông cạn nước: "... Ta có quyền tự hỏi rằng,
ai sẽ bắt đầu làm việc đó ở Việt Nam. Bảo vệ dòng sông Mê Kông là bảo vệ
an ninh lương thực, an ninh quốc gia và sinh mệnh của chính chúng ta. Trên
internet, đã bắt đầu xuất hiện ý kiến của một số chuyên gia về việc các nước ở
hạ nguồn sông Mê Kông, cần liên kết lại để tạo sức mạnh pháp lý khi đấu tranh với
những người đang giữ nước ở thượng nguồn, mà các nhà đầu tư không đếm xỉa đến lợi
ích ngoài quốc gia của họ.
Một cuộc đấu tranh pháp lý để bảo vệ Mê Kông có thể
diễn ra theo nhiều cách, nhưng bây giờ nó cần được bắt đầu, bởi vì nó cũng khẩn
cấp không kém gì những đấu tranh pháp lý để bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng
ta. Vì không thể trông cậy vào lãnh đạo Việt Cộng quá lệ thuộc vào Trung Cộng,
trí thức và các tổ chức Xã Hội Dân Sự, không thể để cho nhân dân ngồi chờ chết
mà phải cấp bách mở chiến dịch "Cứu Nguy Đồng Bằng Sông Cửu Long" với
sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp trong xã hội".
Ngày 16/3/2016, Đất Việt online
trích bản tin từ Tân Hoa Xã, rằng: "Trung Cộng cam kết sẽ xả lũ từ
đập Cánh Hồng (tỉnh Vân Nam) từ ngày 15/3/2016 đến ngày 10/4/2016, với lưu lượng
2.190 thước khối trong mỗi giây đồng hồ. Ngoài ra, Trung Cộng đang thúc đẩy hợp
tác về nguồn nước giữa các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông để giải quyết tình
trạng hạn hán kéo dài...."
Kết luận.
Đồng Bằng Sông Cửu Long đang lâm nguy là sự thật. Chánh phủ Việt Cộng
cũng như Ủy Hội Sông Mê Kông đang vận động với Trung Cộng xả đập giúp Việt Nam
là sự thật, nhưng liệu họ có cột Việt Cộng vào điều kiện gì có lợi cho họ
hay không? Thủ Tướng Việt Cộng có hứa giúp dân ở các tỉnh bị hạn hán và
nước mặn xâm nhập với số tiền 137 tỷ đồng là sự thật, nhưng không rõ là
đã cấp hay chưa? Nếu cấp rồi, thì liệu mỗi gia đình dân được bao nhiêu?
Chẳng lẽ
lãnh đạo Việt Cộng chỉ cấp một khoản tiền như vậy là xong rồi sao? Tôi nghĩ, cấp
trung ương thể nào cũng có những phương tiện khác giúp đồng bào, như sử dụng những
chiếc xe vận chuyển nước ngọt giúp người dân, chuyển những máy móc chuyên dùng
để trợ giúp các tỉnh đắp đập ngăn nước mặn, thậm chí có thể thành lập một
"Ủy Ban Liên Bộ Cứu Nguy Đồng Bằng Sông Cửu Long" với một ngân khoản
rộng rãi, một quyên hạn cũng rộng rãi, và một trách nhiệm cụ thể trong một thời
gian rõ ràng để thực hiện, ..v..v...
Được chớ? Còn Các Anh nghĩ sao? Nghĩ
gì thì nghĩ, nhưng đừng bao giờ quên rằng: “Tự do, không phải là điều
đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ,
không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Và chính chúng ta phải
tranh đấu, vì Dân Chủ Tự Do không phải là quà tặng.
Texas, tháng 3 năm 2016
~~~~~~~~~~~~~~~~
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
This email has been
sent from a virus-free computer protected by Avast.
www.avast.com |
__._,_.___
No comments:
Post a Comment